Phương thuốc hay phòng trị bệnh hô hấp mạn tính

Bệnh hô hấp mạn tính được biểu hiện bởi các chứng viêm mạn tính của đường hô hấp, như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh có các triệu chứng điển hình như: đờm nhiều, ho nhiều và khó thở nhiều. Ðờm nhiều kích thích khí, phế quản gây ho; Ðờm gây tắc nghẽn mà khó thở. Ba triệu chứng này gắn kết chặt chẽ với nhau.

Viêm phế quản mạn tính

Nguyên nhân gây bệnh do cảm lạnh, hàn tà nhập vào tạng phế gây sốt, ho, đờm. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở những người có sức đề kháng giảm, như trẻ nhỏ và người già. Bệnh hay tái phát vào những lúc giao mùa, nóng sang lạnh; hoặc bắt đầu những đợt lạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều năm, nếu không được điều trị tận gốc sẽ trở thành mạn tính. Người bệnh khó thở nhiều, đờm nhiều, ho nhiều, người xanh xao, yếu mệt, thở rít nhiều. Đông y gọi là hen suyễn, hay suyễn tức.

Ngoài viêm phế quản mạn tính, còn gặp viêm phế quản cấp, hoặc do dị ứng một chất nào đó (phấn hoa, lông súc vật, hóa chất…), cũng gây triệu chứng ho, đờm, khó thở, dẫn đến hen suyễn. Hen suyễn là khái niệm chung để chỉ trạng thái khó thở, thường có tiếng rít, kèm theo có ho nhiều và đờm nhiều.Lá dâu là vị thuốc trong bài “Tang hạnh thang gia giảm” trị bệnh COPD (còn gọi khái suyễn) giai đoạn đầu khi bệnh còn nhẹ.

 

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng khó thở dai dẳng do co hẹp lòng của khí phế quản và phế nang; Khi bệnh nặng, phổi có thể có mủ. Nguyên nhân do hít phải các khí độc hại, khói chất đốt nilon, các chất hữu cơ, khói thuốc lá, thuốc lào, các bụi hóa chất, bụi vô cơ gây ô nhiễm môi trường nói chung. Y học cổ truyền gọi bệnh khái suyễn.COPD thường gặp ở nam giới tuổi 40- 60.

Như vậy có sự phân biệt về nguyên nhân bệnh, đặc tính bệnh của các loại bệnh viêm phế quản mạn tính, hen suyễn và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.

Mỗi khi lên cơn hen, người bệnh thường được sử dụng một số các chế phẩm có nguồn gốc tân dược (corticoid), dưới dạng xịt, hít… Các triệu chứng sẽ cải thiện khá nhanh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, sử dụng lâu dài, sẽ gây các phản ứng bất lợi, như  loét miệng do nhiễm nấm candida, teo cơ, loãng xương, đau dạ dày…

Phòng bệnh

Với bệnh viêm phế quản mạn tính: Điều trị cảm hàn một cách triệt để, ngay từ đầu. Dùng phương Ma hoàng thang: ma hoàng, quế chi, hạnh nhân, cam thảo; hoặc dùng các vị thuốc sẵn có, như kinh giới, tía tô, tế tân, gừng tươi, bạch chỉ…

Với bệnh COPD: YHCT gọi bệnh khái suyễn, cũng được sử dụng thuốc cổ truyền khi còn ở giai đoạn nhẹ.

Thể phong nhiệt: Người bệnh biểu hiện ho nhiều, nhiều đờm, đặc, màu vàng, miệng khát, họng đau, toàn thân đau mỏi, khó thở, sốt cao ra mồ hôi, nhức đầu, sợ gió… Dùng bài Tang hạnh thang gia giảm: tang diệp 12g; tang bạch bì, chi tử, tiền hồ, sa sâm, mỗi vị 8g; bối mẫu 4g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày một thang, chia 2 lần trước bữa ăn 1 giờ.

Thể phong hàn: Ho, đờm trong, loãng, sắc trắng, tắc mũi, khó thở, sốt, không ra mồ hôi, sợ lạnh, đau đầu, mình mẩy đau mỏi, ê ẩm. Dùng bài Hạnh tô tán gia giảm: hạnh nhân, tiền hồ, mỗi vị 12g; tô diệp, cát cánh, mỗi vị 10g; trần bì, chỉ xác, bán hạ (chế), mỗi vị 8g; phục linh 16g; cam thảo, sinh khương, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần, trước bữa ăn 1 giờ.

Một số cây thuốc dễ kiếm, dễ tìm trị bệnh
Khi lên cơn hen suyễn, khó thở: dùng hoa, lá cà độc dược (Datura metelL.), họ Cà (Solanaceae). Ở nước ta có nhiều loài khác nhau: loài (Datura metel L.), chiều cao trên 1m, cành xanh, lá xanh, hoa trắng; cũng có loại cành lá tím, hoa trắng, đốm tím, thường mọc hoang và trồng để làm thuốc ở một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra còn có loài Cà độc dược lùn (Datura stramoniumL.), mọc hoang trên các đồi núi phía Bắc…

Hoa cà độc dược phơi khô, thái chỉ; cuộn lại như điếu thuốc lá, mỗi điếu khoảng 2-3g. Khi lên cơn hen, hút 2-3 lần, sẽ cắt được cơn ngay. Có thể dùng lá nhưng không công hiệu bằng hoa. Chú ý không dùng phương pháp này cho trẻ em dưới 14 tuổi và phụ nữ có thai, đang cho con bú.

Hoặc dùng lá của cây nhót Nhật Bản, còn gọi tỳ bà diệp  [Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl.], họ hoa hồng (Rosaceae). Cây thường được trồng ở Hà Nội, Lạng Sơn… Lấy lá bánh tẻ của tỳ bà diệp, lau sạch lớp lông màu nâu phía dưới lá, rửa sạch phơi khô thái nhỏ, tẩm mật ong, sao vàng. Sắc uống, ngày 10-12g chia 2-3 lần, trước bữa ăn. Có thể phối hợp với 8g vỏ quýt khô.

Hoặc dùng lá hen, còn gọi bồng bồng (Calotropis gigenteaR. Br), họ thiên lý (Asclepidaceae). Cây mọc hoang ở khắp cả nước. Thu hái lá bánh tẻ, rửa sạch, lau sạch các phấn trắng mặt dưới lá, phơi hoặc sấy khô, thái nhỏ, tẩm chút mật ong, sao vàng. Sắc uống ngày 8-10g,  chia 2-3 lần, trước bữa ăn. Có thể phối hợp với 8g vỏ quýt khô.

Để tăng tác dụng trị bệnh, có thể phối hợp cao lá hen với cốt khí củ (hổ trượng – Polygonum cuspidatum) tác dụng chống ho, trừ đờm; khổ sâm cho lá (Croton tonkinensis), tác dụng thanh nhiệt tiêu viêm, hóa đàm, chỉ khái; huyết giác (Dracanena cambodiana), tác dụng thông huyết, định thống, chống ho, trừ đờm.

Đồng thời phối hợp với một số hóa chất có tác dụng chống oxy hóa, như α-lipoic acid, hoặc L-carnitin phumarat, để tăng cường chuyển hóa  năng lượng tế bào, cùng với Mg để tăng cường hoạt động thần kinh và tăng hoạt động hệ cơ trơn khí quản. Mục đích làm tăng sức dẻo dai, tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các triệu chứng ho, đờm, khó thở và giảm các đợt tái phát của các bệnh hen suyễn, viêm phế quản mạn tính và viêm tắc phổi mạn tính.

GS.TS. PHẠM XUÂN SINH