Bài thuốc quý từ cây lức dây

Lức dây là cây thuốc Nam quý trong dân gian Việt Nam. Lức dây còn có tên khác là lức lan, dây lưỡi, sài đất giả, chè rừng. Loài cây này thường mọc hoang dại ở các bãi hoang, các bãi cỏ ven đường, bờ ruộng từ Bắc vào Nam và một số đảo. Có thể thu hái cây quanh năm, chủ yếu vào mùa hè thu, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Công dụng của lức dây

Lức dây thường dùng chữa cảm sốt; viêm hạnh nhân cấp (sưng amygdal); viêm lợi có mủ, đau răng; ho và ho ra máu; lỵ; chấn thương bầm tím. Dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị nhọt và viêm mủ da, zona, eczema mạn tính, bỏng. Giã cây tươi để đắp ngoài. Nhân dân còn dùng cành lá nấu nước uống thay trà, làm thuốc giúp ăn uống dễ tiêu và dùng trong các trường hợp rối loạn tiêu hoá ở trẻ em. Cũng thường dùng chữa dị ứng (mề đay).

Ở Ấn Độ, người ta dùng cây làm thuốc đắp trị mụn nhọt, lá và các chồi non pha nước cho trẻ em uống khi ăn uống không tiêu và cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ. Cây cũng được dùng trong chứng tắc niệu, tắc nghẽn ruột và đau khớp gối.
Đơn thuốc có lức dây

1. Lức dây trị viêm hạnh nhân cấp: Lức dây 30-60g, chiết dịch cây dùng uống và ngậm.

2. Lức dây trị lỵ: Lức dây tươi 120g sắc uống hoặc chiết dịch, thêm đường hoặc thêm mật ong uống.

3. Lức dây trị viêm lợi có mủ: Lức dây, rau má, cỏ xước, chua me đất hoa vàng, đều dùng tươi, mỗi vị 30g chiết lấy dịch uống.

4. Lức dây trị mề đay: Dùng 50-100g cây khô sắc uống hằng ngày, hoặc dùng cây tươi giã nhỏ, thêm nước, lọc uống.
Trà giải cảm: Cây lức khô, chặt nhỏ, đóng gói 50g, dùng pha nước uống thay trà.

Sốt nóng mùa hè (bệnh ôn nhiệt) hoặc cảm sốt lúc nóng, lúc rét, khát nước nhức đầu, đắng miệng, ho, nôn oẹ, dùng: Rễ lức 10g, sắn dây 12g, hương nhu trắng 10g, thanh bì 8g, sắc uống.

 

Admin sưu tầm