Phòng lây nhiễm COVID-19 khi tiếp xúc với vật nuôi

Dù chưa có bằng chứng đáng kể và đầy đủ nào cho thấy thú cưng và các động vật nuôi có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 sang người và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh để ngăn chặn sự lây nhiễm SARS-CoV-2.

Khả năng lây truyền của SARS-CoV-2 giữa người và động vật

COVID-19 đã có mặt ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới sau một thời gian bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 11/03/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố căn bệnh do SARS-CoV-2 là đại dịch sau khi gây ra tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế công cộng và trở thành vấn đề sức khoẻ toàn cầu chưa từng có. Đến nay, số người mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, bất chấp các giải pháp ngăn chặn, tiêm phòng vaccine.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tình hình dịch trong thời gian gần đây thực sự đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước ở đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/04/2021 đến nay) chiếm tỷ lệ 99,22% (546.683 ca).

Dơi, tê tê hoặc các động vật hoang dã khác đều có khả năng là vật chủ gốc và vật chủ trung gian của SARS-CoV-2. Do đó, các hoạt động săn, bắt, vận chuyển, trao đổi, buôn bán và sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã cần ngay lập tức dừng lại nhằm bảo vệ sức khoẻ của chính chúng ta và cộng đồng trước đại dịch.

Nguy cơ động vật nhiễm SARS-CoV-2 trong tự nhiên và gây nhiễm thực nghiệmHình 1: Nguy cơ động vật nhiễm SARS-CoV-2 trong tự nhiên và gây nhiễm thực nghiệm

Từ năm 2013-2019, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WCS) và các đơn vị chuyên môn khác chủ động giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm hàng nghìn mẫu động vật tại 70 địa điểm của Việt Nam. Nhóm chuyên gia đã phát hiện được 6 loại Corona đã biết trên các động vật hoang dã có nguy cơ trong tự nhiên hay nuôi trang trại như dơi, chuột đồng, nhím,… (với tỷ lệ dương tính trên chuột đồng tăng lên một cách đáng kể) dọc theo chuỗi cung ứng, từ thương lái, tới các khu chợ cho tới các nhà hàng.

Mặc dù có nhiều động vật, đặc biệt là chó, mèo được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng là rất nhỏ khi so sánh với số người đến nay được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 (218.540.994 người – ngày 01/09/2021 theo https://www.worldometers.info/coronavirus/). Do đó, động vật nói chung và chó, mèo nói riêng không dễ dàng nhiễm SARS-CoV-2.

Trước sự lo lắng ngày càng tăng của mọi người, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Hội Thú y Mỹ (AVMA), Hội Thú y Anh quốc (BVA), Hội Thú y thú nhỏ Thế giới (WSAVA) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đều đưa ra các tuyên bố khẳng định và nhấn mạnh “Chưa có bằng chứng đáng kể và đầy đủ nào cho thấy thú cưng và các động vật nuôi phổ biến có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 sang người và trở thành mối đe doạ đối với con người”.

Tuy nhiên, virus dễ dàng bám, dính và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định trên các bề mặt nói chung, và bề mặt da, lông, cơ thể của thú cưng nói riêng. Khi đó, chó mèo trở thành “vật mang” di động với rủi ro và nguy cơ có thể lây dính virus cho người khác thông qua sự tiếp xúc gần như vuốt ve, sờ, nắm phải virus.

Hình 2: Mối liên hệ và khả năng truyền lây của SARS-CoV-2 giữa người và động vật

Do vậy, trong thời kỳ dịch đang có diễn biến phức tạp, chủ vật nuôi, thú cưng và các bác sỹ thú y cần lưu ý phòng bệnh.

Lưu ý đối với chủ vật nuôi-thú cưng và các bác sỹ thú y trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Nguyên tắc chung đối với chủ vật nuôi-thú cưng và bác sỹ thú y

– Đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh để ngăn chặn sự lây nhiễm SARS-CoV-2.

– Hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người, người với động vật, động vật với động vật trong thời gian có dịch COVID-19.

Với chủ vật nuôi:

– Dù không có các triệu chứng của COVID-19 vẫn nên thực hành đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học trong quá trình tiếp xúc với động vật, bao gồm: rửa tay trước và sau khi tiếp xúc, khi xử lý thức ăn, phân hoặc dụng cụ liên quan đến động vật.

– Không để vật nuôi tiếp xúc với người hoặc động vật khác bên ngoài nhà.

– Giữ mèo trong nhà nhiều nhất có thể để hạn chế chó mèo tiếp xúc với người hoặc động vật khác bên ngoài.

– Chó cần được xích khi ra ngoài, giữ khoảng cách 2 mét với người hoặc động vật khác; và hạn chế tới những nơi tập trung nhiều người và chó.

– Không đưa động vật đi khám định kỳ để kiểm tra SARS-CoV-2.

– Không bỏ rơi chó, mèo của mình.

Với những người và chó, mèo bị nghi ngờ hoặc xác nhận mắc COVID-19:

– Cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với động vật (thú cưng, động vật trang trại, động vật trong sở thú và các động vật hoang dã khác).

– Nhờ người nhà chăm sóc thú cưng. Nếu phải tự chăm sóc chó, mèo, lưu ý đeo khẩu trang, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc.

– Giữ mèo trong nhà nhiều nhất có thể.

– Chó nên được cho vận động trong khuôn viên vườn nhà, hạn chế tiếp xúc với các con chó khác cũng như người khác.

– Nếu chó, mèo có các dấu hiệu lâm sàng nghi nhiễm SARS-CoV-2, vui lòng gọi điện cho bác sỹ thú y để nhận được tư vấn thay vì mang tới các phòng khám.

– Không bỏ rơi, không xịt cồn hoặc chất sát trùng không an toàn, không đeo khẩu trang cho chó, mèo của mình.

Với bác sỹ thú y:

– Cần nắm rõ tình trạng sức khoẻ của bản thân và tình trạng y tế của chủ vật nuôi.

– Do công việc phải tiếp xúc với chó mèo thường xuyên, cần lưu ý đeo khẩu trang, không hôn, không ôm, vuốt ve chó mèo; rửa tay trước và sau khi tiếp xúc.

– Cần cân nhắc các nguyên nhân phổ biến gây bệnh trên động vật trước khi nghi ngờ chó, mèo nhiễm SARS-CoV-2.

– Các động vật bị nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 nên được nuôi cách ly để theo dõi.

Ở thời điểm hiện tại, khi tình hình dịch COVID-19 trong nước đang khó kiểm soát, nhóm các nhà khoa học của Khoa Thú y và phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang luôn theo dõi sát tình hình dịch COVID-19 nói chung và khả năng nhiễm SARS-CoV-2 trên động vật nói riêng ở Việt Nam và thế giới. Đồng thời, khoa Thú y sẵn sàng tư vấn hỗ trợ cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 trên động vật trong thời gian dịch có các diễn biến rất phức tạp này.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn/phong-benh-covid-19-khi-tiep-xuc-voi-vat-nuoi-169210908175108767.htm